Vitamin và khoáng chất là những chất thiết yếu của cơ thể, tham gia vào cấu tạo tế bào, chuyển hóa cung cấp năng lượng cũng như tất cả các hoạt động sống của cơ thể. Mặc dù chỉ cần với lượng nhỏ nhưng cơ thể lại không tổng hợp được đa số các loại Vitamin và khoáng chất mà phải bổ sung thông qua chế độ dinh dưỡng (thức ăn hoặc thực phẩm bổ sung). Hiện nay, nhiều người lựa chọn thực phẩm bổ sung do tính tiện lợi, nhanh chóng và đa dạng. Tuy nhiên, nếu bổ sung không đúng cách sẽ có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Dưới đây là những lưu ý khi bổ sung vitamin và khoáng chất ở người lớn.
1. Không lạm dụng việc bổ sung vitamin và khoáng chất
Vì tầm quan trọng của vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe nên nhiều người cho rằng bổ sung càng nhiều vitamin và khoáng chất càng tốt. Thực tế, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, nhu cầu vitamin và khoáng chất của mỗi người là khác nhau. Bổ sung bao nhiêu vitamin và khoáng chất là đủ cho cơ thể mỗi ngày cần dựa trên Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Không nên lạm dụng việc bổ sung vitamin và khoáng chất vì có thể dẫn đến dư thừa trong cơ thể và dẫn đến hiện tượng ngộ độc vitamin.
Một số tác hại khi bổ sung thừa các loại vitamin như sau:
Thừa vitamin A: gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến buồn nôn, nôn, đau đầu. Ở trẻ nhỏ có biểu hiện thóp phồng. Ngoài ra thừa vitamin A ảnh hưởng đến sự phát triển của xương làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh và nhiều hậu quả khác như: ngứa da vẩy nến, xung huyết ở da và các niêm mạc, tóc khô, xơ xác, dễ gãy, viêm niêm mạc miệng, môi khô, nứt nẻ… Đặc biệt đối với phụ nữ trước khi mang thai và có thai 3 tháng đầu nếu bổ sung thừa vitamin A có thể gây quái thai như: hở hàm ếch, dị dạng tim mạch, cơ, xương, hệ thần kinh trung ương…
Thừa Vitamin E: bổ sung vitamin E liều cao kéo dài có thể làm giảm khả năng đông máu.
Thừa vitamin D: sử dụng vitamin D liều cao, kéo dài sẽ dẫn đến nhiễm độc do thừa vitamin D, làm tăng canxi huyết và dẫn đến hàng loạt triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, khô miệng, chuột rút, táo bón, buồn nôn, đau cơ, đau xương, vôi hóa mạch máu… Nhiều trường hợp còn gây tổn thương thận, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, trẻ bị chậm lớn, dị tật bào thai, khó thở, co giật, giảm khả năng tình dục…
Thừa Vitamin C: Sử dụng thừa vitamin C thường xuyên có thể gây nhiều hậu quả như: viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy khi dùng liều cao theo đường uống; gây toan máu, tán huyết, giảm thời gian đông máu khi dùng đường tiêm liều cao và nhiều hệ lụy khác như: sỏi thận, viêm đường tiết niệu, làm giảm nồng độ vitamin B12 và đồng trong cơ thể, tăng cường hấp thu sắt, mất ngủ, kích động…
Thừa vitamin B1: Hiện tượng dùng quá liều vitamin B1 ít khi xảy ra, tuy nhiên không phải không gặp. Những hệ luỵ có thể xảy ra do thừa vitamin B1 gồm: ngộ độc, chóng mặt, choáng váng, dị ứng cơ thể.
Thừa vitamin B6: có các biểu hiện tê bàn chân, bàn tay hoặc thậm chí là mất cảm giác.
Thừa vitamin B12: Tác dụng phụ do sử dụng vitamin B12 ít gặp tuy nhiên vẫn có thể xảy ra khi lạm dụng gây dư thừa. Hậu quả là gây tăng sản tuyến giáp, làm tăng hồng cầu quá mức, bệnh cơ tim… Có khi xảy ra tác dụng thứ phát gây nôn nao, choáng váng, nổi mề đay.
2. Nên ưu tiên bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua thức ăn, thay vì thực phẩm bổ sung
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, thực phẩm bổ sung không thể thay thế cho chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả. Thực phẩm nguyên chất chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ phối hợp với nhau để hỗ trợ sức khỏe tối ưu. Ngược lại, thực phẩm bổ sung thường cung cấp các vitamin hoặc khoáng chất riêng biệt không có các thành phần có lợi như trong thực phẩm nguyên chất.
Thực phẩm bổ sung đúng như tên gọi, chúng chỉ được bổ sung nếu cơ thể bị thiếu hụt. Khi sử dụng phải được tuân theo hướng dẫn sử dụng, liều lượng và thời gian khuyến nghị.
3. Tương tác vitamin và khoáng chất với các thuốc
Một số loại vitamin và khoáng chất có thể làm giảm/ mất tác dụng của các thuốc điều trị.
Ví dụ: Vitamin C có thể làm mất tác dụng kháng khuẩn của các kháng sinh nhóm Betalactam (cefalosporin, ampicillin, amoxicillin… ) do làm phá hủy cấu trúc của nhóm kháng sinh này.
Vitamin và khoáng chất có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của thuốc bằng cách tăng hoặc giảm lượng thuốc mà cơ thể hấp thụ. Nếu cơ thể không thể hấp thụ thuốc đủ liều lượng thuốc sẽ không phát huy đầy đủ tác dụng chữa bệnh.
Ngược lại, nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều thuốc, có thể gây nguy hiểm. Một số loại vitamin và khoáng chất cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ cơ thể hấp thụ hoặc đào thải thuốc. Ví dụ, vitamin K có thể ngăn cản warfarin (thuốc làm loãng máu) hoạt động bình thường, các thuốc điều trị hóa trị có thể bị ảnh hưởng bởi vitamin C và E.
Vì vậy, nếu muốn bổ sung vitamin hoặc khoáng chất, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước để đảm bảo việc sử dụng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
4. Thời điểm thích hợp để bổ sung từng loại vitamin và khoáng chất
Vitamin C: Thời điểm uống vitamin C để hấp thu tốt là uống vào cùng bữa ăn và nên chia nhỏ liều tương ứng với các bữa ăn trong ngày. Tuy nhiên, với trường hợp người bị đau dạ dày thì nên uống vitamin C sau bữa ăn. Đặc biệt, không nên uống vitamin C quá muộn vào buổi tối, vì vitamin C có tính kích thích cao, gây khó ngủ.
Vitamin A: Vitamin A thuộc nhóm vitamin tan trong dầu nên uống trong bữa ăn vì lượng chất béo có trong bữa ăn sẽ hòa tan các chất này, giúp cơ thể hấp thu vitamin A tối đa.
Vitamin E: thuộc nhóm vitamin tan trong dầu, bạn nên uống vitamin E vào buổi sáng, uống sau bữa ăn 30 phút hoặc uống cùng bữa ăn và không uống khi quá no hoặc quá đói và nên uống cùng với các thực phẩm có chứa chất béo như sữa, các loại hạt, bơ, sữa chua.
Vitamin D: cũng giống như vitamin E, vitamin D cũng là một vitamin tan trong chất béo, cần được uống với bữa ăn. Vitamin D hấp thụ tốt nhất khi bạn tiêu thụ cùng thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như dầu oliu, quả bơ hoặc bơ. Không uống vitamin D vào ban đêm hay buổi tối muộn vì có ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.
Canxi: nên được uống vào buổi sáng là tốt nhất, giúp chúng ta có cơ hội tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời (da tổng hợp vitamin D cho cơ thể), giúp hấp thu canxi hiệu quả cao hơn. Thời gian uống canxi trước khi ăn 30 phút hoặc sau khi ăn 1 giờ.
Sắt hấp thu tốt nhất khi dạ dày rỗng (lúc đói). Vì vậy, nên uống viên sắt trước bữa ăn 30 phút. Vitamin C có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, do vậy có thể uống nước cam để chất sắt được hấp thụ vào cơ thể. Trong protein của động vật cũng chứa chất giúp hỗ trợ hấp thụ sắt tối ưu, vì vậy mà nên ăn cá, thịt trong các bữa ăn thường ngày.
Trên đây là những lưu ý trong việc bổ sung vitamin và khoáng chất. Mong rằng bạn đọc sẽ có những kiến thức bổ ích trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Tin khác