Lợi ích của ngải cứu đối với sức khỏe chị em phụ nữ

Ngải cứu là một loại cây quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Không chỉ là một loại thức ăn, ngải cứu còn được biết đến với các tác dụng chăm sóc sức khỏe tuyệt vời, đặc biệt đối với sức khỏe của chị em phụ nữ.

1. Công dụng của ngải cứu

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. TS Đỗ Tất Lợi, Ngải cứu còn gọi là cây thuốc cứu, cây thuốc cao, ngải điệp. Tên khoa học Artemisia vulgaris L. Thuộc họ Cúc Asteraceae.

Theo y học cổ truyền ngải cứu là một vị thuốc có vị cay, tính hơi ôn, dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh, an thai, dùng chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, thai động không yên, thổ huyết, chảy máu cam…

2. Một số bài thuốc có ngải cứu

Từ những tác dụng theo y học cổ truyền, có thể thấy ngải cứu rất tốt cho sức khỏe của chị em phụ nữ. Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản nhưng hiệu nghiệm chị em có thể áp dụng.

– Chữa kinh nguyệt kéo dài, máu ra nhiều, người mệt mỏi, đi đứng mệt yếu:

Chuẩn bị Sử dụng
10g lá ngải cứu khô

200 ml nước

Cô đặc còn khoảng 100 ml cao

Có thể thêm đường

Hằng tháng đến ngày bắt đầu hành kinh và cả những ngày đang có kinh, uống sáng một lần, chiều một lần

– An thai (chữa đang có thai, đau bụng, chảy máu)

Chuẩn bị Sử dụng
16g lá ngải cứu tươi

16g tía tô cả cành

600ml nước

Sắc đặc còn 100ml

Có thể thêm đường

Chia làm 3-4 lần uống trong ngày.

– Hỗ trợ điều trị động thai:

Chuẩn bị Sử dụng
50g lá ngải cứu tươi

100g gạo tẻ

Đường đỏ

Nấu nhừ thành cháo

Chia 2 lần ăn sáng, trưa. Ăn liên tục 3 – 5 ngày.

– Tăng cường sức khỏe cho phụ nữ sau sinh:

Chuẩn bị Sử dụng
200g lá ngải cứu tươi

10g mỗi vị: Táo đỏ, ý dĩ, câu kỷ tử, hạt sen, tam thất.

Gà ri (300g) 1 con

Tần đến khi gà mềm nhừ

Nên ăn nóng. Một tuần ăn 1 lần

– Hỗ trợ điều trị đau đầu:

Chuẩn bị Sử dụng
200g lá ngải cứu tươi

2 quả trừng gà

Rán cùng dầu ăn hoặc hấp trên lá chuối

Nên ăn nóng. Ngày ăn 1 lần, ăn liên tục trong 10 ngày

– Trị chứng đau bụng do lạnh:

Chuẩn bị Sử dụng
100g lá ngải cứu tươi

100g thịt lợn thăn

Nấu canh

Ăn cùng cơm. Dùng liên tục 2 ngày.

– Chữa các chứng kinh nguyệt không đều, bế kinh (mất kinh):

Chuẩn bị Sử dụng
300g lá ngải cứu tươi

500g xương sườn lợn

Nấu canh

Nên ăn nóng. Có thể ăn hàng ngày..

3. Tác dụng của ngải cứu khi dùng ngoài

Trong ngải cứu có chứa tinh dầu có tác dụng thúc đẩy sự tuần hoàn của máu, nhờ đó có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, giúp da được nuôi dưỡng tốt hơn và có đủ nước.

Ngải cứu có tác dụng kích thích lên da non, làm liền các vết thương nhanh hơn.

Trong ngải cứu chứa  tanin – có tác dụng ngăn ngừa sự xuất hiện các mụn nước nhỏ, chữa bệnh chàm (eczema), và một số loại viêm da khác.

Ngải cứu còn có tác dụng phân giải các chất dầu, loại trừ các thứ cặn bẩn trên mặt da, có thể làm sạch da ở những người có da nhờn. Ngải cứu còn có tác dụng giữ độ ẩm, nên cũng có tác dụng bảo vệ tốt đối với cả những người da khô. Do đó, ngải cứu có thể sử dụng cho tất cả các loại da.

Cách sử dụng ngải cứu để chăm sóc da:

Lá ngải cứu khô 25-50g nấu với 1000ml nước, đậy kín nồi, đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa thêm 20 phút nữa; sau đó dùng vải lọc lấy nước, rót vào lọ sạch đã lau khô, cất vào tủ lạnh để dùng dần. Hoặc dùng 5g ngải cứu khô, nấu với 200ml nước, dùng hết trong ngày.

Buổi tối, sau khi rửa mặt, dùng khăn giấy thấm nước ngải cứu (có thể pha loãng), đắp lên da mặt và những chỗ da sần sùi, khoảng 4-5 phút khăn tự khô. Sau khi gỡ giấy ra, cũng có thể xoa thêm chút kem dưỡng da, để bổ sung thêm chất dinh dưỡng. Nếu sợ khăn giấy có tẩm hương liệu gây dị ứng hoặc làm giảm tác dụng, có thể thay thế bằng miếng gạc hoặc vải xô sạch.

Cách sử dụng ngải cứu để vệ sinh vùng kín.

Nhờ tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, ngải cứu có thể được sử dụng để vệ sinh vùng kín hàng ngày giúp làm sạch, ngăn ngừa viêm nhiễm hiệu quả.

Lá ngải cứu khô 25-50g nấu với 1000ml nước, có thể thêm một chút muối. Đậy kín nồi, đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa thêm 15 – 20 phút. Để nguội bớt rồi đem đi xông vùng kín. Nước nguội hẳn thì dùng để rửa vùng kín rồi lau khô. Có thể dùng để vệ sinh vùng kín hàng ngày. Không cần rửa lại với nước.

 4. Lưu ý khi dùng ngải cứu

– Không nên sử dụng ngải cứu trong thời gian dài

– Đối với những chị em cần dùng các món có ngải cứu để tẩm bổ hoặc an thai… chỉ nên dùng một lượng vừa đủ như trong hướng dẫn.

– Trứng gà ngải cứu là món ăn bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe nhưng những người bệnh sỏi thận, xơ vữa động mạch vành… nên hạn chế ăn trứng.

– Các bài thuốc từ ngải cứu sẽ đem đến tác dụng từ từ và không thay thế các phương pháp điều trị khác.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ đem đến cho chị em phụ nữ hiểu biết về ngải cứu – một loại cây có sẵn trong vườn nhà nhưng mang lại những công dụng rất tuyệt vời cho sức khỏe và sắc đẹp.