Dấu hiệu cảnh báo gan có vấn đề và 5 cách bảo vệ gan

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể và có rất nhiều chức năng quan trọng như tổng hợp, chuyển hóa, bài tiết và thải độc. Khi gan có vấn đề sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều hoạt động của cơ thể và chúng ta có thể nhận biết sớm điều đó qua một số dấu hiệu sau đây.

1. Các dấu hiệu cảnh báo gan có vấn đề

  • Da nổi mẩn ngứa, mụn nhọt

Gan có chức năng chuyển hóa các yếu tố độc hại và đào thải chúng ra khỏi cơ thể qua đường phân và nước tiểu. Khi chức năng gan suy giảm, các độc tố không được đào thải ra bên ngoài và tích tụ trong cơ thể. Điều này dẫn đến các vấn đề trên da như mẩn ngứa, phát ban, mụn nhọt.

Tình trạng này thường chỉ xuất hiện một thời gian ngắn, tuy nhiên nếu kéo dài kèm theo các triệu chứng như chán ăn, cơ thể mệt mỏi, ngủ kém… phản ánh tình trạng bệnh lý của gan tăng nặng, cần theo dõi và điều trị sớm.

  • Hơi thở có mùi hôi

Hơi thở có mùi bất thường như mùi ẩm mốc, thức ăn ôi thiu đôi khi không chỉ là do vấn đề răng miệng mà còn có thể do chức năng gan suy giảm dẫn tới không thể lọc bỏ hết chất thải ra khỏi cơ thể. Những chất này sẽ quay trở lại tuần hoàn máu và đi đến các cơ quan khác, trong đó có phổi. Lúc này, hơi thở của người bệnh sẽ có mùi hôi do sự gia tăng hợp chất hữu cơ dimethyl sulfide, sản phẩm của các axit amin chứa lưu huỳnh chưa được lọc khỏi máu. Mùi hôi càng nặng, chức năng gan càng suy giảm nhiều.

  • Phân và nước tiểu có màu bất thường

Nước tiểu bình thường và phân có màu vàng nhạt đến hổ phách đậm. Những thay đổi màu sắc phân và nước tiểu bất thường có thể là một dấu hiệu của bệnh gan. Tổn thương nhu mô gan gây tắc mật trong gan dẫn đến hấp thu nhiều bilirubin vào máu, sau đó thải ra nước tiểu nhiều hơn bình thường, lượng bilirubin khiến nước tiểu có màu vàng sậm. Phân có màu xám nhạt hoặc bạc màu.

  • Ăn không ngon, cơ thể mệt mỏi

Ăn không ngon, thường xuyên thấy buồn nôn, chán ăn dễ dẫn đến hiểu nhầm bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, nhưng các triệu chứng này hoàn toàn có thể do chức năng sản xuất mật của gan suy yếu, dẫn đến không tiêu hóa được chất béo khi ăn, gây buồn nôn và chán ăn. Nặng hơn có thể có biểu hiện đầy bụng, khó tiêu, chán ăn kết hợp với táo bón hay tiêu chảy. Tình trạng này có thể do những chất béo đưa vào không được tiêu hoá hay do sự tăng áp lực mạch máu xung quanh gan dẫn đến chậm quá trình tiêu thụ chất lỏng trong bụng.

2. Ghi nhớ 5 cách bảo vệ gan

2.1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cung cấp đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời đáp ứng đủ năng lượng hoạt động mỗi ngày.

Chế độ ăn tốt cho gan bao gồm đa dạng các loại thực phẩm như: các loại chất béo tốt có trong các loại thực phẩm như cá (cá hồi, cá thu,…), các loại dầu thực vật (dầu oliu, đậu nành, hướng dương), các loại hạt (óc chó, đậu phộng,vừng…) và các loại quả (quả bơ,..).

Cần hạn chế các loại thức ăn, đồ uống có thể gây hại cho sức khỏe nói chung và chức năng gan nói riêng như:

  • Các loại thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ
  • Đường bổ sung có trong các loại sản phẩm như: bánh, kẹo, nước ngọt, mứt, thực phẩm chế biến sẵn
  • Thức uống có cồn như rượu bia do nguy cơ gây ngộ độc gan khi sử dụng quá nhiều
  • Thực phẩm bị nấm mốc: sản sinh chất aflatoxin có độc tính mạnh thuộc nhóm thức ăn hại gan, nguy cơ gây ra thoái hóa hoặc hoại tử tế bào gan và có thể dẫn tới ung thư gan.
  • Các thực phẩm chứa quá nhiều muối sẽ gây ra nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh về gan.

2.2. Duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân, béo phì là một trong số nguyên nhân gây ra bệnh gan cũng như các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim, đái tháo đường type 2, viêm khớp và một số bệnh ung thư.

Một nghiên cứu do Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (NCBI) cho thấy, 65% người béo phì có chỉ số BMI trên 30 mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), và con số đó tăng lên 85% ở những người có chỉ số BMI hơn 40.

Do vậy, việc duy trì cân nặng hợp lý (BMI 18,5 – 22,9) bằng một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan.

2.3. Thiết lập lối sống lành mạnh

Gan xử lý rượu giống như bất kỳ hóa chất độc hại nào khác. Việc sử dụng quá nhiều rượu có thể làm ngộ độc gan, hỏng các tế bào và dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ hóa và xơ gan. Lạm dụng rượu bằng cách uống quá mức cũng có thể gây thương tích và tai nạn liên quan đến rượu, đồng thời làm trầm trọng thêm các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tim và các dạng sa sút trí tuệ.

Khuyến nghị về việc tiêu thụ rượu ở mỗi quốc gia là khác nhau và kích thước của một “đơn vị” rượu cũng khác nhau. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, khuyến nghị gần đây nhất của Health.org là không uống quá hai ly mỗi ngày đối với nam và một ly đối với nữ, với một “đồ uống” tương đương với rượu vang 150ml (12% cồn), 350ml bia (5% cồn) hoặc 45ml rượu mạnh (40% cồn). Ở Anh, khuyến nghị mới nhất là không uống quá 14 ly tiêu chuẩn mỗi tuần cho cả phụ nữ và nam giới và có vài ngày không uống rượu mỗi tuần.

Uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương hoặc phá hủy các tế bào gan và gây sẹo gan. Nói chuyện với bác sĩ về lượng rượu phù hợp với bạn.

Hút thuốc có liên quan đến ung thư gan và cũng có thể làm tăng tác dụng độc hại của một số loại thuốc đối với gan.

2.4. Thăm khám định kỳ và tiêm vaccine

Các bệnh như viêm gan A, B và C gây ra bởi virus đều là những bệnh nghiêm trọng có thể gây tổn thương gan.

Virus viêm gan A có thể lây truyền qua việc uống, nước bẩn hoặc nước bị nhiễm bệnh, trong khi viêm gan B và C lây truyền qua chất dịch cơ thể. Hiện có vaccine cho loại A và B, nhưng chưa có vaccine cho bệnh viêm gan C. Tiêm vaccine là các tốt nhất giúp chúng ta chủ động phòng ngừa các bệnh do virus viêm gan gây ra.

Bên cạnh đó, xét nghiệm chức năng gan được các chuyên gia sức khỏe khuyên nên thực hiện định kỳ cùng khám sức khỏe tổng quát, giúp:

  • Phát hiện sớm những tổn thương gan do các yếu tố gây ra như: virus, bệnh về gan, chế độ ăn uống và sinh hoạt,…
  • Chẩn đoán nguyên nhân gây giảm chức năng gan để kịp thời điều trị hoặc điều chỉnh ngăn ngừa tổn thương hoặc bệnh lý ở gan.
  • Phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn, khó phát hiện sớm nhưng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan,…

Một số loại xét nghiệm gan thường gặp như: Xét nghiệm nồng độ ALT/ AST/ ALP, Albumin và protein toàn phần, nồng độ Bilirubin,…

2.5. Ngủ sớm trước 23h

23h đến 1h sáng là thời điểm gan thực hiện chức năng thải độc mạnh mẽ. Gan sẽ chuyển hóa, đào thải các chất độc hại qua đường mật hoặc biến chúng thành chất không độc, ít độc hơn và đào thải qua thận. Hoạt động này sẽ hiệu quả nhất khi cơ thể trong trạng thái ngủ say.

Vì vậy, chúng ta nên ngủ trước 11h đêm để không ảnh hưởng đến hoạt động thải độc của gan, tránh tình trạng chất độc không được đào thải ra ngoài, tích tụ dần gây tổn thương tế bào gan, suy giảm chức năng gan.